Không chỉ thiếu tính liên kết, các DN cơ khí Việt Nam còn tỏ ra yếu kém trong khâu thiết kế chế tạo. Theo ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, các đơn vị tư vấn thiết kế của Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tư vấn, thiết kế toàn bộ một công trình công nghiệp lớn của ngành, cũng như chưa thể đảm nhận vai trò thiết kế chính của các dự án công nghiệp có quy mô lớn, độ phức tạp cao. Bản thân các DN cơ khí của ta cũng chưa dành sự quan tâm thích đáng cho công tác nghiên cứu sản phẩm, trung bình các DN chỉ dành 0,2 - 0,3% doanh thu cho công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm, trong khi ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%. "Tình trạng này còn kéo dài thì mãi mãi chúng ta vẫn chỉ là người đi làm gia công cho các ông chủ ngoại" - ông Thụ lo lắng.
Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn trên thị trường cung cấp thiết bị cơ khí cho các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện và nhiều dự án sản xuất công nghiệp… nhưng nhiều dự án lại bị mất vào các nhà thầu ngoại đến từ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. "Mạnh ai nấy làm", lỏng lẻo trong liên kết, chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự trì trệ, thua thiệt ngay trên sân nhà của ngành cơ khí trong nhiều năm qua. Cách đây không lâu khi Tập đoàn cơ khí hàng đầu thế giới Alstom muốn tìm kiếm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ ở Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) ta đã đua nhau bỏ thầu giá thấp để "chào" đối tác, dẫn tới tình trạng loạn giá trong nước, còn các DN nước ngoài thì ung dung hưởng lợi.